/

Để con làm gì trong hè?

09:18 20/05/2025
22 lượt xem

Đó là câu hỏi của nhiều phụ huynh khi năm học 2024-2025 sắp kết thúc và một mùa hè mở ra với những cô cậu học trò.

Trẻ em vui chơi trong khu trò chơi ở TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hè năm nay cũng sẽ khác khi không dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, các khóa học hè mở ra ngày càng nhiều với nội dung phong phú, những lời quảng cáo, ưu đãi hấp dẫn khiến phụ huynh "hoa mắt" không biết nên chọn khóa nào cho con.

Chị TRẦN THỊ LIÊN (công nhân Khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức) cho biết: "Hiện có rất nhiều lớp kỹ năng và năng khiếu được mở ra, không biết nên chọn lớp nào để vừa đảm bảo an toàn cho con vừa giúp bé phát triển toàn diện về kỹ năng và tư duy, vừa phù hợp tài chính gia đình".

Nỗi lòng phụ huynh

Chị Trần Thị Liên - công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức - đang khá băn khoăn trong tìm kiếm môi trường phù hợp cho con khi vào hè.

Chị chia sẻ: "Tôi làm ca sáng từ 7h đến 4h30 chiều. Con gái tôi năm nay học lớp 3, hè đến là phải tìm lớp học bán trú để gửi cả ngày. Hai vợ chồng cũng suy nghĩ rất lâu, hiện có rất nhiều lớp kỹ năng và năng khiếu được mở ra, không biết nên chọn lớp nào để vừa đảm bảo an toàn cho con vừa giúp bé phát triển toàn diện về kỹ năng và tư duy, vừa phù hợp tài chính gia đình".

Chị Hồ Thị Hạ, giáo viên ở Quảng Ngãi, kể dù học sinh đã nghỉ nhưng đội ngũ hành chính vẫn phải duy trì công việc chuyên môn. Điều khiến chị Hạ băn khoăn nhất lúc này chính là hai đứa nhỏ đang nghỉ hè ở nhà không ai trông nom.

Gia đình chị Hạ thuộc diện khá phổ biến ở các vùng quê khi cha mẹ đều đi làm, không có ông bà ở gần, trong khi điều kiện gửi con lại rất hạn chế.

Những năm trước chị Hạ thường tìm các lớp học thêm gần nhà cho con theo học. Đó không hẳn là nhu cầu bổ sung kiến thức mà chủ yếu là một giải pháp tạm thời, giúp con có nơi đến mỗi ngày, có người quản lý.

"Ở quê nhà nào cũng lo lũ trẻ ra ngoài chơi, lội suối, chạy xe đạp giữa đường hoặc tụ tập nghịch dại. Sông suối nhiều, không có người lớn bên cạnh rất nguy hiểm", chị Hạ chia sẻ.

Chính vì thế lớp học thêm, dù chỉ là lớp toán hay tiếng Việt đơn giản do một giáo viên địa phương đứng lớp, vẫn là lựa chọn tối ưu với nhiều phụ huynh.

Tuy nhiên từ hè này, sau khi quy định cấm dạy thêm, học thêm được siết chặt, những "lớp giữ trẻ trá hình" ấy cũng không còn tồn tại.

Ở các TP lớn, phụ huynh còn có lựa chọn đưa con đến trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống hay các câu lạc bộ mùa hè. Nhưng ở xã của chị Hạ, không có trung tâm nào hoạt động trong dịp hè, cũng không có lớp bán trú hay chương trình sinh hoạt thiếu nhi tổ chức thường xuyên.

Chương trình hè ngày càng đa dạng

ThS Tiêu Minh Sơn - giảng viên kỹ năng mềm Trường ĐH Văn Lang - cho rằng các chương trình hè hiện nay không chỉ ngày càng đa dạng về hình thức mà còn phong phú về nội dung, mở ra nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế cho học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Ông Sơn cho biết nhiều mô hình hè đã và đang được triển khai hiệu quả bởi các đơn vị uy tín như Trung tâm Thanh niên miền Nam, Nhà văn hóa Thanh niên, nhà thiếu nhi các cấp…

Có thể kể đến các chương trình tiêu biểu như học kỳ quân đội, ngày hội trải nghiệm nghề nghiệp, trại hè kỹ năng sống, câu lạc bộ nghệ thuật, học thuật hay các hoạt động tình nguyện cộng đồng.

Những hoạt động này không chỉ là nơi phụ huynh có thể gửi gắm con trong mùa hè mà quan trọng hơn, đó còn là "cánh cửa mở ra thế giới mới" giúp các em học sinh tăng tính tự lập, khả năng tương tác, phát triển kỹ năng sống và kỹ năng mềm, điều mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đang hướng đến để xây dựng phẩm chất và năng lực toàn diện cho người học.

 

Theo một chuyên gia tại trung tâm kỹ năng sống ở quận 3 (TP.HCM), mỗi gia đình sẽ có một cách thiết kế mùa hè cho con như đưa con về quê với ông bà, đưa con đi du lịch, gửi con đến các lớp học, chương trình hè…

Tuy nhiên dù lựa chọn hình thức nào, chuyên gia này cho rằng sự an toàn của trẻ vẫn cần phải được đặt lên hàng đầu.

Chẳng hạn nếu để trẻ ở nhà tự sinh hoạt, cần giải thích cho trẻ kỹ về các thiết bị điện, nước trong nhà, cách xử lý khi có người lạ. Nếu cho trẻ về quê cần dặn dò trẻ không nên tự ý tắm sông, suối…

Khi lựa chọn các chương trình học kỳ quân đội, các khóa trải nghiệm hè cho trẻ cần tìm hiểu thật chi tiết về nơi ăn, chốn ngủ, các kịch bản của ban tổ chức khi có sự cố xảy ra để đảm bảo độ an toàn cao nhất cho trẻ khi tham gia.

Trẻ em say mê đọc sách tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quan trọng nhất là phù hợp

Theo ông Tiêu Minh Sơn, để các chương trình hè thực sự phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp với từng học sinh.

Mỗi đứa trẻ đều có năng lực, sở thích và tính cách riêng. Vì vậy việc chọn chương trình không nên dựa vào phong trào hay kỳ vọng của người lớn mà cần bắt đầu từ việc lắng nghe con: con yêu thích điều gì, có năng khiếu ở đâu, muốn được trải nghiệm điều gì trong kỳ nghỉ hè này?

Bên cạnh yếu tố sở thích cá nhân, phụ huynh cũng cần cân nhắc kỹ đến độ uy tín của đơn vị tổ chức, mức độ an toàn và tính thiết thực của nội dung chương trình.

Những yếu tố này sẽ góp phần đảm bảo con không chỉ được chăm sóc chu đáo mà còn học hỏi và phát triển đúng hướng.

Ông Sơn cho rằng cha mẹ nên là người đồng hành, cùng con thảo luận, khuyến khích, truyền cảm hứng và định hướng nhẹ nhàng thay vì áp đặt lựa chọn.

Bởi lẽ một chương trình hè chỉ thật sự có giá trị khi học sinh tham gia với tâm thế tích cực, cảm thấy hào hứng và được tôn trọng trong quyết định của chính mình.

"Chỉ khi đó những trải nghiệm hè mới trở thành hành trình đáng nhớ, giúp các em tái tạo năng lượng, tích lũy kỹ năng và tri thức mới để sẵn sàng cho năm học tiếp theo", ông Sơn khẳng định.

Theo tuoitre.vn

Link bài gốc

Xem thêm phản hồi...